Tôi đã học ngoại ngữ như thế nào?


Một số bạn có inbox muốn tôi chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ của mình. Đây là một vấn đề mà tôi cũng đắn đo rất lâu vì thật lòng không phải tôi muốn giấu giếm gì hết. Đối với các bạn đang theo học tôi, tôi vẫn nhiều chia sẻ và phân tích cách học. Nhưng “kinh nghiệm cũng giống như chiếc bàn chải đánh răng, chỉ có thể cho người kia xem nhưng mỗi người dùng riêng một chiếc, không thể nào dùng chung được.” Mỗi người sẽ có một xuất phát điểm khác nhau, thuận lợi và khó khăn khác nhau và tính cách mỗi người sẽ quyết định về thành công hay thất bại của người đó. Tôi viết bài viết này chỉ với một mục đích chia sẻ những gì đã trải qua cả thuận lợi lẫn bất lợi trong việc học ngoại ngữ cũng như những gì tôi nghĩ là có ích. Nếu ai thấy áp dụng gì thì áp dụng, chỉ vậy thôi.


Trong bài viết trước của tôi, có một bạn phân tích 3 yếu tố dẫn đến thành công trong việc học ngôn ngữ. Một là ý thức và nỗ lực bản thân. Hai là môi trường thích hợp và ba là người dạy có tâm và có trình độ. Tôi đồng ý về cách nhận định này và sẽ dựa trên ba yếu tố này để phân tích việc học ngoại ngữ của mình để cách bạn dễ theo dõi.

Yếu tố đầu tiên tôi muốn nhắc đến là môi trường. Tôi có được may mắn là sống trong một môi trường đa văn hóa từ bé và điều này tôi nghĩ rằng có ảnh hưởng rất lớn đối với việc học ngoại ngữ của tôi. Gia đình bên nội tôi là người Quảng Đông ở Chợ Lớn, ngoài ba tôi nói được tiếng Việt kha khá, còn lại các cô các bác đều nói được rất ít tiếng Việt. Do đó tôi gần như nói tiếng Việt và tiếng Quảng Đông cùng một lúc khi mới tập nói.

Ảnh: Pixabay

Bên ngoại tôi bà ngoại là giáo viên dạy tiếng Pháp trước 1975 nên hay có thói quen dùng tiếng Pháp, dì tôi dạy tiếng Nga. Cả hai đều dạy tôi một ít tiếng Pháp và tiếng Nga từ trước khi vào lớp 1 (tôi không học mẫu giáo một ngày nào cả). Tất cả những điều đó tạo cho một môi trường đa ngôn ngữ khiến tôi có một độ nhạy nhất định về ngôn ngữ. Đến năm 4 tuổi (1985), tôi bắt đầu đi học tiếng Anh vỡ lòng và từ đó trở đi tôi học tiếng Anh gần như song song với tiếng Việt. Và cứ như thế tôi học tiếng Anh rất tự nhiên, không cảm thấy áp lực hay căng thẳng gì cả.

Môi trường thứ hai là một môi trường khắc nghiệt và éo le. Năm 10 tuổi vì một biến cố gia đình mà tôi trôi dạt qua Pakistan và sống bên đó một thời gian thậm chí đi học bên đó một thời gian. Tôi không biết tiếng Urdu nên học ở một trường Công giáo dạy toàn tiếng Anh ở Karachi. Và tôi phải tự bơi để tồn tại trong một môi trường không có một chữ tiếng Việt nào. Thành công đầu tiên trong việc sử dụng tiếng Anh của tôi là dẫn mẹ tôi không biết một chữ tiếng Anh đi lọt qua các cửa khẩu sân bay từ Thái Lan qua Pakistan bằng vốn tiếng Anh cấp 1 của mình rồi từ Pakistan về lại Bangkok rồi về Sài Gòn. Biến cố đó để lại cho tôi nhiều chấn thương về mặt tâm lý rất nặng nhưng ngược lại giúp tôi củng cố trình độ cũng như sự tự tin trong việc sử dụng tiếng Anh.

Về lại Việt Namđi học dưới mái trường xã nghĩa thân thương, tôi chủ động đăng kí tham gia các cuộc thi tiếng Anh do trường do quận tổ chức chẳng phải vì thành tích mà tôi muốn thử sức mình. Lên cấp 3, tôi thi vào lớp chuyên Anh Minh Khai khi nghe nói có giáo viên nước ngoài đứng lớp. Lớp 11, tôi đi sinh hoạt CLB Anh Văn của Nhà Văn hóa Thanh Niên rồi thi vào làm trong đó với nhiệm vụ là đi đến từng nhóm hướng dẫn cho các hội viên thảo luận đề tài trong tuần và tập cho họ hát bài hát tiếng Anh được in kèm theo chủ đề. Đến khi tôi vừa tốt nghiệp cấp 3 thì tôi được bầu làm phó chủ nhiệm CLB Anh Văn sau hai năm đi làm. Và tôi cũng là người nhỏ tuổi nhất trong những người làm việc trong câu lạc bộ. Lúc đó (1998-2001), phong trào học tiếng Anh ở Sài Gòn vẫn rất thịnh hành và các câu lạc bộ tiếng Anh mọc lên như nấm. Duy chỉ có CLB tiếng Anh của Nhà Văn hóa Thanh Niên là nổi tiếng nhất với số lượng hội viên lên đến trên 2000 người mỗi buổi sáng chủ nhật. Đó là môi trường thứ ba để tôi rèn luyện tiếng Anh của mình.

Môi trường thứ tư là môi trường đại học sáu năm học bên Mỹ. Trường tôi học nằm xa khu người Việt và tôi gần như là người Việt duy nhất. Ngành học của tôi là sư phạm Anh vốn học ra để dạy ngữ văn Anh (literature) ở các trường trung học Mỹ đòi hỏi trình độ tiếng Anh rất cao. Chương trình học rất nặng gồm những môn tới bây giờ tôi còn ám ảnh như văn học Anh trung đại, cận và hiện đại và văn học Mỹ cận hiện đại. Ngoài ra các môn khác như triết học, tâm lý học, kĩ năng sư phạm đều phải học bằng tiếng Anh. Nói chung trong suốt quãng đời học tiếng Anh, tôi luôn có được những môi trường tốt nhất (cũng có thể nói là khắc nghiệt nhất) để rèn luyện.

Yếu tố thứ hai quyết định là tôi may mắn có những giáo viên dạy tiếng Anh rất tốt, có trình độ, có tâm và có tầm. Có một điều rất lạ là tôi và gia đình đạo Phật nhưng lại rất có duyên với những người đạo Công giáo hoặc Tin Lành. Giáo viên tiếng Anh đầu tiên của tôi năm 4 tuổi là thầy Ý Anh Bùi Trần Lục, một người Bắc 54 nhỏ thó và lanh lợi. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp, thầy Lục đã nói với mẹ tôi rằng: “Chị cho con học tiếng Anh là một quyết định vô cùng đúng đắn!” Đó là năm 1985, thời mà tiếng Anh bị ghẻ lạnh vì ai cũng tôn sùng tiếng Liên Xô. Lớn lên một chút, tôi được gửi vào học tiếng Anh tại tu viện nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa góc Điện Biên Phủ (bây giờ là trường Nhật Ngữ Sakura) cho đến 10 tuổi. Các sơ nói tiếng Anh rất hay, rất nghiêm khắc nhưng dạy rất có tâm. Nền tảng căn bản tiếng Anh của tôi vững là nhờ công của các sơ, trong đó người dạy tôi lâu nhất là sơ Thuận. Nếu bây giờ còn sống, bà cũng phải trên 80 tuổi. Lên cấp 2, người tôi ấn tượng là cô Trinh trường Ngô Tất Tố, Phú Nhuận vì cách dạy sinh động, nhất là phát âm của cô khác hẳn với các giáo viên Việt Nam khác. Còn người tôi ngưỡng mộ nhất trong thời gian học cấp 3 là thầy Thảo trường Minh Khai với cách dạy tiếng Anh cực kì vui và ấn tượng. Học với thầy hiểu được rất nhiều nhưng không hề mệt mỏi căng thẳng. Có thể nói đây là người thầy đã khiến tôi muốn trở thành giáo viên Anh Văn. Đó là thời gian các giáo viên vẫn còn có tâm. Họ không dạy mẹo dạy chiêu mà truyền đạt kiến thức thực sự. Thầy Lục, sơ Thuận, cô Trinh, thầy Thảo là những giáo viên mà tôi luôn biết ơn cho tới ngày hôm nay.

Yếu tố thứ ba là phương pháp học và nỗ lực bản thân. Tôi trước giờ có một tính rất lạ, cái gì mình thích thì tôi theo đến cùng còn những gì người khác theo nhưng tôi thấy không hợp tình hợp lý thì tôi chẳng thèm quan tâm cho dù ai nói gì đi nữa. Suốt thời gian học phổ thông trung học của tôi là thế, tôi học rất bết bát các môn toán lý hóa nhưng rất siêng học tiếng Anh, sử và văn vì tôi thấy đây mới là những môn giúp ích cho tôi sau này. Điểm tiếng Anh của tôi luôn cao nhất lớp và tôi tham gia bất kì cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh nào từ cấp trường đến cấp quận. Nhưng tôi không học gạo để thi lấy điểm mà học vì kiến thức thực sự. Tôi chú ý đến những lỗi nhỏ trong phát âm và quyết tâm sửa vì tôi rất ghét kiểu phát âm lười biếng ẩu tả của một số giáo viên khiến tiếng Anh trở thành như tiếng Việt. Khi phát biểu trong lớp tôi luôn sửa giọng cho đúng mặc cho bạn bè cười bảo là làm màu hay khoe mẽ. Tôi mặc kệ người khác nghĩ gì vì tôi biết tôi làm gì.

Tôi học tiếng Anh qua bài hát, học qua sách truyện chứ tôi không chỉ dựa vào sách vở. Tôi tập hát cho đúng với cách của những ca sĩ yêu thích và chú ý cách nhấn trọng âm nhả chữ, đài từ và cả cách thể hiện cảm xúc qua bài hát. Lúc đầu do mê the Beatles, tôi tập căng tai nghe những đoạn phỏng vấn của tứ quái để học cách phát âm kiểu Scouse xứ Liverpool. Sang Mỹ, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều chất giọng tiếng Anh khác nhau và tôi tập hết tất cả các accent đó cho thật nhuyễn (trừ giọng Mỹ da đen vì tôi không thích nhạc rap). Có thời gian tôi bỏ ra hơn cả năm chỉ để luyện Cockney accent-loại giọng Anh của dân lao động Londonvì khoái xem phim bộ phim “Still Crazy” của Anh. Đến khi xem Hugh Grant thì chuyển qua tập nói kiểu posh accent sang chảnh. Sau này có bạn người Ấn Độ, PakistanMalaysia, tôi học luôn giọng phát âm tiếng Anh của họ.

Tôi đọc rất nhiều sách tiếng Anh và xem nhiều phim bằng tiếng Anh bên cạnh những sách giáo khoa bắt buộc phải đọc. Hồi còn đi học ở Việt Nam, tôi hay để dành tiền để mua những danh tác tiếng Anh được rút gọn và đơn giản hóa cho sinh viên nước ngoài học để đọc. Sang Mỹ thì tôi đọc về lịch sử, văn học, triết học, tâm lý học, và rất nhiều tài liệu về âm nhạc. Mấy lần tôi có điều kiện chuyển trường sang một nơi có nhiều người Việt sinh sống và học nhưng tôi vẫn quyết định ở lại thị trấn Thibodauxheo hút không có một bóng người Việt để tối đa điều kiện sử dụng tiếng Anh. Tôi không muốn ở Mỹ bao nhiêu năm trời mà lại nói một thứ tiếng Anh chắp vá giả cầy nhất là đi học ngành sư phạm Anh thì đúng là quá nhục.

Bên cạnh tiếng Anh, tôi sử dụng tốt tiếng Quảng Đông và Hoa Phổ thông. Tiếng Quảng Đông của tôi là do bác hai dạy từ nhỏ. Đi chơi với bác tôi bắt buộc phải nói tiếng Quảng Đông còn với ba tôi thì ông vẫn nói lúc thì tiếng Quảng Đông lúc thì tiếng Việt. Đến năm 18 tuổi, tôi mới chính thức học đọc và viết mặt chữ. Thầy dạy tôi cũng họ Huỳnh là một mục sư Tin Lành là một người có tấm lòng hết sức thiện lương. Thầy bắt tôi học chữ phồn thể chứ không thích tôi viết chữ giản thể của Trung Cộng. Nhờ vốn tiếng Quảng Đông, tôi học tiếng phổ thông rất nhanh.

Sang Mỹ thời gian sống với cô tôi, tôi vừa sử dụng tiếng Quảng Đông để giao tiếp với gia đình bên nội, vừa dùng tiếng phổ thông để chỉ dẫn những người bếp Trung Quốc làm ở nhà hàng của cô tôi. Họ từ Phúc Kiến vượt biên sang, ít học và quê mùa tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Quảng Đông cũng không nói được. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ thổ ngữ của họ còn khi phải giao tiếp thì dùng tiếng phổ thông đặt sệt thổ âm Phúc Kiến rất khó nghe. Cô tôi nói tiếng phổ thông đặt sệt tiếng Quảng Đông nên hai bên nói chuyện với nhau như cãi lộn. Thế là họ làm gì, đi đâu, mua gì tôi đều dẫn họ đi làm thông dịch viên bất đắc dĩ. Ở trường thì có bạn bè sinh viên người Trung Quốc tôi cũng không ngần ngại nói chuyện với họ bằng tiếng phổ thông.

Nói chung, tôi không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để luyện tập, nghe, nói, đọc viết những ngôn ngữ mà mình học dù chỉ là nhỏ nhất. Tôi thường buộc tôi rơi vào tình trạng phải sử dụng ngôn ngữ đó để sinh tồn vì đó là động lực thúc đẩy tôi phải giỏi ngôn ngữ mà mình sử dụng, còn nếu cảm thấy không giỏi thì không học qua loa. Đó là lý do tại sao tôi không học lại tiếng Pháp và tiếng Nhật mặc dù cũng đã từng học qua một năm vì tôi cảm thấy mình quá bận để có thể theo đuổi chúng một cách nghiêm túc dù rất muốn.

Theo Facebook Huỳnh Chí Viễn
Từ khóa tìm kiếm: hoc tieng anh giao tiep, hoc tieng anh 123, hoc tieng anh tren mang, hoc tieng anh lop 1, hoc tieng anh lop 4, hoc tieng anh lop 6, hoc tieng anh lop 5, hoc tieng anh lop 3
THANHCADU.COM

https://me.momo.vn/khong

*

إرسال تعليق (0)
أحدث أقدم