Ngày ngày viết chữ là một điều thi vị và người viết chữ là một nghệ sĩ


Ngày mới và có nhiều thứ trong cuộc sống làm mình không xử lý được đành lang thang trên mạng vô tình đọc được bài này, thấy hay quá bèn cop về đây cho các bạn cùng đọc.


Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh

(Nguyễn Du, Kiều)

Tôi đắm mình vào cái vĩnh hằng giữa những tác giả tuyệt diệu.
Ảnh: Internet
Hàng năm cứ vào cuối tháng ba khi trời nóng hầm hập, như thiêu như đốt, tôi lại “chen vai, sát cánh” cùng các bạn trẻ bước vào hội sách thành phố. Có người ví von đây chính là khoảng không gian xanh mát của tri thức và tâm hồn, một biển sách, một rừng sách dễ làm ta quên đi những bức bối, ngột ngạt, nhễ nhại mồ hôi của cái nắng gay gắt đầu mùa. Thế hệ U60-5X như tôi, còn bao nhiêu người mê sách, kiếm tìm sách như đuổi theo một tà áo trắng mộng mơ, thướt tha lãng đãng dưới vòm me xanh lá? Tôi tìm gì ở Hội sách? Tìm những cuốn sách mới ra lò giảm giá 20%, những cuốn sách cũ giảm giá 50-70%, hay tìm lại hình bóng mình ngày xưa trong từng đôi, từng nhóm bạn trẻ tung tăng đi trong rừng sách biển sách mênh mông đó?

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc

Người xưa quý chữ lắm, chữ của thánh hiền linh thiêng kỳ ảo lắm. Tôi nhớ mãi hình ảnh xúc động của cậu học trò đầu ba giá (tóc trên đầu cạo hết chỉ còn để ba dúm tóc trước trán và hai bên) khoanh tay và lễ phép xoè tay xin thầy chữ nhân (人) trong bộ phim VN “Học trò thuỷ thần” (1994). Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Chữ quý giá như thế thì sách càng quý báu bội phần. Người xưa gọi sách là cảo thơm hay phương cảo (芳 稿) nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay. Phòng đọc sách là thư hiên, Sánh vai về chốn thư hiên. Góp lời phong nguyệt nặng nguyền núi sông (Kiều). Nghe kể, những nhà quyền quý, nho phong cứ mỗi lần đọc sách là đốt hương trầm thơm ngát cả thư phòng. Người xưa cũng nói: “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe.”

Vua Chân Tông đời Tống có bài thơ khuyến học ca tụng sách, xem sách còn hơn cây đèn thần Aladin, trong sách cái gì cũng có. Bài thơ như sau:

Phú gia bất dụng mại lương điền,
Thư trung tự hữu thiên chung túc.
An cư bất dụng giá cao đường,
Thư trung tự hữu hoàng kim ốc.
Thú thê mạc hận vô lương môi,
Thư trung hữu nữ nhan như ngọc.
Xuất môn mạc hận vô nhân tùy,
Thư trung xa mã đa như thốc.
Nam nhi dục toại bình sinh chí,
Ngũ kinh khuyến hướng song tiền độc.

Dịch nghĩa:

Nhà giàu không cần mua ruộng nhiều,
Trong sách tự có ngàn chung thóc.
Ở yên chẳng cần xây gác cao,
Trong sách tự có nhà kim ốc.
Lấy vợ chớ hờn không mối mai,
Trong sách có nàng mặt như ngọc.
Ra đường chớ hờn không kẻ hầu,
Trong sách ngựa xe nhiều lóc nhóc.
Nam nhi muốn thỏa chí bình sinh,
Sử kinh khuyên cố chuyên cần đọc.

Bài thơ này người đời về sau nhớ nhất có một câu: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc. (Trong sách có nàng dung nhan (đẹp) như ngọc). Câu này có vẻ “khuyến dụ” các anh học trò siêng năng đọc sách vì người đẹp ai mà chẳng mê chẳng thích. Cũng chính từ ý tưởng này, về sau trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, có truyện mang tên "Thư Si" (Mê sách) kể chuyện một cậu học trò nghèo ngày đêm say mê đọc sách. Mùa đông cũng như mùa hè. Một hôm, chàng đang mải mê chăm chú đọc sách bỗng có một giai nhân tuyệt thế từ trang sách bước ra…Câu chuyện đúng là có vẻ…liêu trai chí dị, nhưng có một tứ (idea) rất hay là khi gặp được và ái ân cùng nàng thì buộc chàng phải chọn lựa giữa nàng…và sách…Cả hai đều là những đam mê của chàng thư sinh, biết bỏ ai lấy ai?

Đắm mình vào cái vĩnh hằng

Châm ngôn ngạn ngữ phương Tây cũng nói nhiều về sách. Tôi mê nhất câu nói của D.Henziut vì nó giống thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi. Ông nói: “Tôi bước chân vào thư viện và khép cửa lại. Như thế là tôi đã tách khỏi tính tham lam, lòng tự ái, tệ say rượu và sự lười biếng củng tất cả những thói hư tật xấu do cái dốt nát, sự vô công rỗi nghề và cảnh sầu tư sinh ra. Tôi đắm mình vào cái vĩnh hằng giữa những tác giả tuyệt diệu với một niềm tự hào, với một cảm giác thỏa mãn đến mức cảm thấy thương hại tất cả các ông quan lớn sang trọng và giàu có nhưng không được hưởng niềm hạnh phúc này.”

Lại nhớ đến ngày xưa….

Tôi là người mê đọc sách. Nhưng chuyện đó qua lâu rồi, hồi xửa hồi xưa lận. Con nhà nghèo lấy gì làm vui ngoài sách vở. Mấy đứa nhà giàu còn đi du lịch, đi shopping, đi coi xi nê, còn mình thì ngoài giờ học chỉ chúi đầu vào sách vở mà thôi. Tụi bạn thường gọi tôi là con mọt sách, là ông cụ non. Sách gì cũng đọc, thượng vàng hạ cám, đông tây kim cổ, người lớn trẻ con, ái tình lục dục, phòng the cung cấm gì cũng đọc. Tôi như người đói chữ, khát chữ. Nhưng “ăn” nhiều, “uống” nhiều chữ mà chẳng thấy mình mập béo hơn. Làm dáng bằng chữ nghĩa, văn tự mà cũng chẳng thấy mình sang trọng, quý phái hơn, vẫn gầy gò, xuềnh xoàng, quê mùa như thuở bước chân vào trường trung học. Mà còn tệ hại hơn vì đọc nhiều, lại đọc lén, đọc trong vùng thiếu sáng nên hậu quả là cặp kính cận dầy phải mang từ năm đệ tứ (Lớp 9 bây giờ).

Nhưng thời trước sách cũng không hề rẻ. Nhiều khi đứng tần ngần thèm khát một cuốn sách hay mà chỉ còn vài đồng dính túi. Nhà nghèo đông anh em, tôi chỉ có nước nhịn ăn quà lấy tiền mua sách, nhưng tiền quà thì nhịn bao giờ cho đủ? Sài Gòn ngày xưa có những tiệm thuê sách, ai không có tiền mua sách thì thuê sách, đặt cọc tiền và trả tiền thuê tính theo ngày. Lâu lâu ghiền quá thì mướn coi chứ tiền đâu mà ngốn sách hàng ngày.

Vậy thì chỉ có nước coi cọp, coi ké. Tôi vẫn thường đọc sách cọp ở nhà sách Khai Trí, góc ngã tư Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Lợi. Đứng đọc đến tê cả chân, tối sầm tối xịt mới đón xe lam về nhà. Nhưng đến năm đệ ngũ, nhờ học kha khá, nên lọt vào giới “thượng lưu” và quen với một thằng học cùng lớp. Nó là con ông chủ bút tờ Bách Khoa, một tạp chí sáng tác học thuật nổi tiếng ở Sài Gòn. Lên đệ tứ, quen thân, nó dẫn về nhà nó ở gần cầu Công Lý. Nhà nó thì khỏi nói, như một thư viện lớn, sách trên lầu sách dưới nhà, cơ man là sách, nằm lăn dưới nền gạch bông nhà nó đọc sách, để rồi chìm trong giấc mơ cùng sách quả thật là thiên đường hạ giới của tôi. Lên các lớp trên tôi lân la xin được thẻ đọc sách của Thư viện Quốc Gia, Hội Việt Mỹ, các Trung tâm văn hoá Anh, Pháp, Đức, Nhật...

Rồi một ngày chinh chiến tàn, quê hương ngừng tiếng súng, tôi từ giã những thiên đường cũ để lạc vào những con đường mới, tuy gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng cũng không kém phần thú vị. Trên con đường đó, tôi lại mộng du đến một không gian xa vời, phủ đầy tuyết trắng. Những cánh rừng bạch dương, những vùng Siberia trắng rợn người, những khuôn mặt quý tộc Nga Sa hoàng trong Bút ký người đi săn (I.S. Turgeniev), Con đường đau khổ (A.N. Tolstoy), Sông Đông êm đềm (M.K. Solokhov), Truyện ngắn A.P.Chekhov. Những ngày sống tập thể ở một trường dạy nghề bên giòng sông Tiền, hết giờ lên lớp, tôi lại nằm chúi đầu vào sách. Sách hay trong thư viện trường đọc mãi cũng hết, mà ra nhà sách mua thì thiên hạ người ta nhanh chân mua hết rồi. Sách hay thời bao cấp, giấy vàng ố, giá rẻ, số lượng có hạn, nên cũng như hàng thương nghiệp, mới nghe có hàng, ra mua thì không có…May thay, tôi lại được quen với các bạn ở Công ty quốc doanh phát hành sách tỉnh. Mỗi lần có sách hay về, họ đều để dành cho tôi. Vì thế, tôi còn mua được những quyển sách dầy, bìa cứng, giấy trắng muốt của nhà xuất bản Cầu Vồng (Liên Xô cũ) in những tác phẩm dịch sang tiếng Việt của nhiều nhà văn cổ điển Nga nổi tiếng.

Những thú chơi tao nhã

Từ ngày đất nước mở cửa, sách càng ngày càng đẹp, càng hấp dẫn. Sách đủ các loại: văn hoá, khoa học, văn chương, phong tục, triết học, tôn giáo…Tôi về thành phố, chẳng hiểu làm sao số phận run rủi mình lại lăn lộn cùng chữ nghĩa, gần gũi với nghề làm sách báo từ lúc chuẩn bị bản thảo đến lúc dàn trang sắp chữ, trình bày, theo dõi từng trang in, đóng xén và rưng rưng cảm xúc khi cầm thành phẩm trên tay. Tôi lại may mắn quen biết với những người viết sách, làm sách, in sách và phát hành sách. Tôi như lạc vào trong tầng lớp có thanh thế quyền lực làm người khác phải ganh tỵ say mê và ngẩn ngơ trước những cảm xúc thăng hoa nhiều cung bậc, giai điệu của thú chơi tao nhã. Từ một người ngày xưa chỉ biết thú đọc sách nay lại quen biết những người có đam mê thanh cao, sang trọng, quyền quý hơn mình. Họ có thú chơi sách, thú làm sách, thú viết sách, thú ra sách. Nhìn họ mê mẩn, say đắm với  những cuốn sách họ viết, họ in, họ phát hành, tôi thấy mặc cảm tự ti hèn kém vô cùng.

Đứng núi này trông núi nọ. Ông bà ta bảo thế, lòng tham sân si của con người quả thật là triền miên không dứt. Thế nhưng thật tình mà nói mươi năm trở lại đây, ngoài những sách cần cho nghiên cứu, học tập và làm việc, tôi chưa đọc được cuốn sách nào ra hồn cả, có nghĩa là trầm ngâm suy tư ngẫm ngợi từ những câu chuyện, ý tưởng, thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt cho người đọc. Hay là tôi bị ô nhiễm cái văn hoá fastfood, ăn nhanh sống vội vào trong văn hoá đọc. Và nói như nhiều nhà xã hội học, văn hoá đọc của tôi xuống cấp trầm trọng. Tôi chỉ còn những đam mê phù phiếm, chạy theo văn hoá nghe nhìn, mê mẩn với những show game, fashion, phim ảnh, Internet và Facebook.

Đọc đến đây, bạn cứ ngỡ hay lầm tưởng tôi là người thông thái, thiên kinh vạn quyển. Mà thời nối mạng toàn cầu, những người như thế đâu có hay ho gì khi trong tay bạn sẵn có tablet, netbook, và đại sư Google luôn luôn cặp kè bên bạn. Ngẫm nghĩ lại, tôi không bị nát chữ (tương tự như người nát rượu – nát bét – tan hoang vì nghiện rượu), hay cuồng chữ (điên loạn, tâm thần, tẩu hoả nhập ma vì chữ nghĩa) là may mắn lắm. Phải chăng nhờ gốc của tôi vẫn là khoa học tự nhiên, logic học, lấy suy luận, phân tích, phản biện làm vũ khí, nên có thể chống lại những cơn hoang tưởng, mê trầm hay suy cảm về những hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục của đời?

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Đời người hữu hạn mà ham mê lại vô cùng. Thư trung hữu nữ nhan như ngọc bây giờ phải chăng đã lạc hậu rồi. Chỉ cần một chạm nhẹ thôi là hàng chục hàng trăm mỹ nữ giai nhân lồ lộ uốn éo mượt mà gợi tình trước mặt. Đâu cần phải thư hiên, thư phòng, thư song tráng lệ, trầm hương ngan ngát thanh cao, chỉ một Kindle, Tablet 3G, Netbook có thể đủ biến thành tấm thảm Ba Tư thần kỳ đưa bạn đến thư viện Alexandria, thư viện lớn nhất của thế giới, kỳ quan kiến trúc của nhân loại. Cho dù bạn ở bất cứ nơi nào, trên núi cao hay giữa rừng sâu, miễn là có 3G, thì bạn vẫn có thể chu du khắp nơi trong cõi ta bà này. Hoặc là có thể chìm đắm trong vài ngàn cuốn sách…gối đầu giường bạn đã lưu vào thẻ nhớ vào Tablet của mình.

Vậy mà... thỉnh thoảng tôi lại thèm vào ngắm nghía, mua sắm tại các nhà sách gần nhà và trung tâm thành phố, các hiệu sách cũ. Có cuốn nào hay, bìa đẹp sang trọng, nhà xuất bản uy tín là tôi khuân về để lăn lóc dưới sàn nhà vì kệ sách đã ứ đầy. Vậy đó, sách đẹp, bầy biện sang trọng trang nhã trên tủ sách mà có khi cả năm không buồn với tới, lâu lâu phủi bụi cho sạch hay lại cho vào thùng giấy đưa vào nhà kho, nhường chỗ cho những cuốn mới mua hay được biếu tặng.

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc. Phải chăng sách như người đẹp Bích Câu Kỳ Ngộ kiêu sa, quý phái, sang trọng, từ một thế giới huyền hoặc nào đó bước ra để ta say đắm ngắm nhìn. Dẫu bên cạnh ta kè kè Ipad, Iphone, netbook, bao nhiêu tiếng nói thì thầm hình ảnh quyến rũ từ thế giới ảo, không gian mạng, ta vẫn mơ màng tìm đến những nhan như ngọc mê đắm thời tuổi trẻ của ta. Có khi chỉ để ngắm nhìn lướt qua rồi lại hững hờ và chạy theo những quyến rũ phù hoa của thế giới mạng.

Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên

(Thế Lữ, Lời than thở của nàng mỹ thuật)

Vâng, cái thưở ban đầu lưu luyến ấy, như đã thấm rất ngọt rất sâu vào máu vào tim của mình, sao tôi quên được? Sao tôi lại thờ ơ dửng dưng trước những ngày hội sách rộn ràng và những ngày thơ thẩn mê mẩn ghé vào hiệu sách để sống lại một thời, yêu lại một thời rất đẹp rất mộng mơ của mình?

Nguồn: facebook.com/notes/anh-nguyen/cảo-thơm-lần-giở-trước-đèn/10201170501059629

Từ khóa tìm kiếm: một mớ suy nghĩ hỗn độn, lời bài hát tôi ngàn năm đợi, tôi ngàn năm đợi huy vũ, làm gì khi tâm trạng tồi tệ, làm gì khi tâm trạng buồn chán, tâm trạng không tốt tiếng anh, tâm trạng không vui, cảm giác chán nản mọi thứ, làm gì khi không vui, khi khong vui nen lam gi,làm gì khi chán nản
THANHCADU.COM

https://me.momo.vn/khong

*

إرسال تعليق (0)
أحدث أقدم